Ngày Đái tháo đường Thế giới (World Diabetes Day)

BS. Nguyễn Thùy Ngoan

Tư vấn chuyên môn - Tham vấn y khoa

Bác sĩ chuyên khoa: Nguyễn Thùy Ngoan


Ngày Đái tháo đường Thế giới (World Diabetes Day -WDD) do Liên đoàn Đái tháo đường Quốc tế (International Diabetes Federation – IDF) và WHO thành lập vào năm 1991 và được tổ chức hằng năm vào ngày 14 tháng 11, nhằm thúc việc phối hợp hành động để đối phó với bệnh đái tháo đường,  một vấn đề sức khoẻ toàn cầu quan trọng.

Nguồn Báo Sức khỏe và Đời sống (Bộ Y tế)
 


Hiện nay, trên Thế giới cứ 11 người trưởng thành có 1 người mắc bệnh đái tháo đường, trong đó 46,5% người bị bệnh chưa được chẩn đoán. Ba phần tư số người mắc bệnh đái tháo đường sống ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình. Mỗi 6 giây có một người chết vì bệnh đái tháo đường. Có hơn 199 triệu phụ nữ sống với bệnh đái tháo đường và dự tính sẽ tăng lên 313 triệu người vào năm 2040.


Chủ đề “Ngày Đái tháo đường Thế giới” năm 2017 là: “Phụ nữ và bệnh đái tháo đường”. Chiến dịch sẽ thúc tất cả phụ nữ có nguy cơ hoặc đang mắc bệnh đái tháo đường có cơ hội tiếp cận bình đẳng, công bằng với các loại thuốc và công nghệ cơ bản. Ngoài ra, cần truyền thông – giáo dục sức khoẻ để họ biết cách tự chăm sóc và phòng ngừa đái tháo đường tuýp 2.


Bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) là nguyên nhân thứ chín gây tử vong ở phụ nữ trên toàn cầu, gây ra 2,1 triệu người chết mỗi năm. Phụ nữ mắc bệnh ĐTĐ tuýp 2 có nguy cơ mắc bệnh mạch vành cao hơn gấp 10 lần so với phụ nữ không bị ĐTĐ. Phụ nữ bị ĐTĐ tuýp 1 có nguy cơ cao sẩy thai sớm hoặc có con bị dị tật.

Xét nghiệm nhanh đường huyết (Internet)
 


Cứ mỗi 5 phụ nữ mắc bệnh ĐTĐ thì sẽ có 2 người đang trong độ tuổi sinh đẻ, chiếm hơn 60 triệu phụ nữ trên toàn thế giới. Phụ nữ mắc bệnh ĐTĐ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc thụ thai và thai kỳ có thể có dự hậu xấu. Nếu không có kế hoạch chuẩn bị trước khi thụ thai, bệnh ĐTĐ tuýp 1 và 2 có thể làm tăng nguy cơ tử vong và bệnh tật ở bà mẹ và trẻ em. Khoảng 1/7 số trẻ sinh ra bị ảnh hưởng bởi bệnh ĐTĐ thai kỳ, một nguy cơ nghiêm trọng bị bỏ sót đối với sức khoẻ bà mẹ và trẻ em.


Nhiều phụ nữ bị ĐTĐ thai kỳ gặp các biến chứng có liên quan đến thai nghén bao gồm cao huyết áp, trẻ sơ sinh nặng ký và bị chuyển dạ khó. Một số lượng đáng kể phụ nữ bị ĐTĐ thai kỳ cũng sẽ dần bị bệnh ĐTĐ tuýp 2, dẫn đến thêm nhiều biến chứng và chi phí chăm sóc sức khoẻ.


Do điều kiện kinh tế xã hội, trẻ em gái và phụ nữ mắc bệnh ĐTĐ gặp phải rào cản trong việc phòng ngừa bệnh, cũng như phát hiện sớm, chẩn đoán và điều trị một cách hiệu quả; đặc biệt ở các nước đang phát triển. Bất bình đẳng về kinh tế xã hội làm cho phụ nữ phải chịu những yếu tố nguy cơ chính của bệnh ĐTĐ, bao gồm chế độ ăn uống và dinh dưỡng không hợp lý, không hoạt động thể chất, tiêu thụ thuốc lá và sử dụng rượu một cách có hại.


Kỳ thị và phân biệt đối xử đối với những người bị bệnh ĐTĐ thường xảy ra với trẻ em gái và phụ nữ, những người mang một gánh nặng gấp đôi về sự phân biệt đối xử vì tình trạng sức khoẻ của họ và sự bất bình đẳng xảy ra trong môi trường trọng nam giới. Những bất bình đẳng này có thể làm rào cản ngăn trẻ em gái và phụ nữ trong việc chẩn đoán và điều trị, ngăn ngừa bệnh để đạt được tiên lượng tốt.

Phụ nữ bệnh đái tháo đường trong thai kỳ (Internet)
 


Phụ nữ và trẻ em gái là những đối tượng chủ chốt trong việc áp dụng lối sống lành mạnh để nâng cao sức khoẻ và sự khỏe mạnh của các thế hệ tương lai, bởi vì:


– Phụ nữ có vai trò là các bà mẹ, ảnh hưởng lớn đến tình trạng sức khoẻ lâu dài của con cái họ sau này


– Phụ nữ là những người quản lý việc dinh dưỡng chính trong gia đình cũng như hành vi, lối sống và do đó có tiềm năng trong việc phòng ngừa bệnh ngay từ trong gia đình và hơn thế nữa


– Có thể ngăn ngừa đến 70% trường hợp mắc bệnh đái tháo đường týp 2 thông qua việc áp dụng lối sống lành mạnh


Nhiều nghiên cứu đã cho thấy: khi các bà mẹ được tạo điều kiện thì họ sẽ dành nhiều sự quan tâm hơn cho vấn đề thực phẩm, sức khoẻ, dinh dưỡng và giáo dục trẻ em.


Những việc cần phải được thực hiện:


– Phụ nữ và trẻ em gái cần được tiếp cận dễ dàng và công bằng với kiến thức và các dịch vụ để tăng cường khả năng phòng ngừa bệnh đái tháo đường tuýp 2 trong gia đình cũng như tự bảo vệ sức khoẻ của họ tốt hơn.


– Tạo điều kiện chơi thể thao ở trẻ vị thành niên, đặc biệt ở các nước đang phát triển, là một ưu tiên để phòng ngừa bệnh đái tháo đường.


Ths. Lại Thị Thu Hương – Trung tâm Y tế quận Gò Vấp


(tổng hợp và dịch)


Nguồn:  http://worlddiabetesday.org/resources/campaign-guide.html

Rate this post

Tin liên quan